Đăng lúc 10:37 ngày 18/10/2017 1920
Khách hàng Việt khi mua ôtô không ít người gặp phải tranh chấp khi xung đột lợi ích giữa người bán và người mua, chủ yếu xảy ra khi giao tiền - nhận xe. Dưới đây là một số trường hợp cần lưu ý theo lời khuyên của những chuyên gia bán hàng của các hãng xe lớn tại Việt Nam.
1. Không kiểm tra thông tin về đại lý
Trước khi chọn mua xe ở một nơi nào đó, khách hàng nên tìm hiểu kỹ thông tin về năng lực giao dịch, độ tin cậy, khả năng sửa chữa, bảo dưỡng... Nhiều khách thường chọn đại lý gần nhà để mua xe mà bỏ qua những yếu tố khác, điều này là không nên để tránh xảy ra sai sót đáng tiếc.
2. Chuyển tiền đặt cọc cho nhân viên bán hàng
Thông thường khách phải đặt cọc một số tiền nhất định khoảng vài chục triệu khi làm hợp đồng mua xe, số còn lại được giao khi nhận xe. Khoản tiền này nên được chuyển hoặc nộp trực tiếp cho đại lý chứ không phải một cá nhân nào đó.
Tiền đặt cọc này nhất định phải được chuyển vào tài khoản của công ty, đại lý nơi mua xe. Nếu nộp tiền mặt tại đại lý sẽ có phiếu thu đóng dấu đầy đủ. Thực tế có những trường hợp do khách hàng thân quen với nhân viên tư vấn bán hàng mà chuyển khoản trực tiếp dưới danh nghĩa cá nhân. Để đảm bảo an toàn, nhân viên phải mang tiền về nộp cho đại lý và lấy phiếu thu giao cho khách.
Khách hàng nên chắc chắn cầm được phiếu thu trong tay để có căn cứ pháp lý, tránh những phát sinh không đáng có.
Chỉ có một trường hợp chuyển tiền dưới danh nghĩa cá nhân là tiền đóng phí trước bạ, nhân viên bán hàng đi nộp hộ cho khách. Đây là tiền mà khách hàng phải đóng cho cơ quan thuế, vì thế đại lý bán xe không thể nhập vào tài khoản của đại lý.
3. Không đọc kỹ hợp đồng
Mọi tranh chấp đều phải giải quyết theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng, đó là căn cứ luật pháp. Vì vậy, nếu không đọc kỹ hợp đồng rất dễ nảy sinh những tranh cãi không đáng có.
Hồi đầu tháng 9, nhiều khách hàng nói rằng đặt cọc mua CR-V tại đại lý nhưng sau đó được thông báo hết xe và trả lại cọc. Nhiều người cho rằng phải đòi đại lý đền bù, nhưng theo các chuyên gia luật, nếu trong hợp đồng không có điều khoản nào quy định về việc giao muộn hay không có xe để giao thì khó có cơ sở để khởi kiện.
Việc xe giao chậm hay thậm chí không có xe để giao không phải chuyện lạ trong ngành. Ví dụ đại lý nhận cọc nhưng không biết kế hoạch sản xuất của nhà máy, do đó không đủ xe để phân phối, dẫn tới thiếu xe giao cho khách hoặc chờ đợt khác nên giao chậm.
Trường hợp này, tốt nhất hai bên nên có một biên bản thỏa thuận đi kèm hợp đồng mua bán. Bản thỏa thuận này ghi đầy đủ thông tin giao chậm, không có xe giao thì xử lý thế nào...
4. Trả hết tiền khi chưa nhận xe
Hồi đầu tháng 7, thị trường ôtô nóng lên bởi scandal đại lý Kia Hà Đông lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng, khách hàng thanh toán 100% tiền mua xe nhưng không nhận được xe theo đúng thời hạn, đại lý lần lữa một thời gian dài. Cuối cùng, đại lý đóng cửa, chủ kinh doanh không xuất hiện.
Đây cũng là một trường hợp nhắc nhở khách hàng tìm hiểu kỹ về đại lý trước khi đặt xe và không nên trả hết tiền khi chưa chắc chắn có nhận được xe hay không.
Ngoài ra, khách hàng cũng cần chốt được mức giá với đại lý, giá sẽ tại thời điểm ký hợp đồng, hay thay đổi theo chính sách tại thời điểm bán... đều cần thể hiện rõ ràng trong hợp đồng.