Đăng lúc 10:48 ngày 13/09/2017 1419
Cuộc chiến không khoan nhượng cho dòng xe sang
Đi lên và “đứng được” nhờ dòng xe thương mại (bao gồm xe bus và xe tải), nhưng không phải tự nhiên mà Trường Hải đổ công sức và tiền của cho việc lắp ráp và sản xuất xe du lịch - một chuẩn mực vươn tới của bất cứ thương hiệu sản xuất nào trong nền công nghiệp ôtô. Chính vì vậy, việc bắt tay với BMW AG không chỉ đơn thuần giúp Trường Hải đặt chân vào cuộc chơi đẳng cấp, mà hơn thế, còn giúp tập đoàn này tiếp cận được một kho công nghệ, tri thức và cả kính nghiệm quản lí của một trong những tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới.
Có nhà máy lắp ráp KIA, sau đó là nhà máy Mazda (lớn nhất trong khu vực ASEAN)…, nên sẽ không ngạc nhiên khi cái đích đằng sau việc phân phối sẽ là tiến tới lắp ráp BMW trong nước và xa hơn là xuất khẩu sang các thị trường khác (trước mắt là các nước ASEAN có tay lái bên trái như Phillipines, Lào, Campuchia). Và không giống như cái khó của thương hiệu Peugeot, giá trị hình ảnh của BMW đương nhiên sẽ là chìa khoá tốt hơn giúp Trường Hải dễ dàng gia nhập cuộc chơi trong khu vực.
Một phân xưởng lắp ráp ôtô du lịch tại nhà máy của Trường Hải tại Chu Lai
Tuy vậy, việc gia nhập sau của Trường Hải với sân chơi khu vực cũng sẽ có rất nhiều khó khăn, khi mà BMW đã có nhà máy ở Thái Lan (lắp ráp các mẫu 3-series, 5-series, 7-series, X1 và X3, cùng với dòng Countryman của MINI và hai dòng mô-tô F 800 R và F 800 GS, các mẫu hybrid sạc điện - PHEV), Indonesia (7-series) và đặc biệt là tại Malaysia (3-Series, 5-Series, 7-Series) nơi mà năm 2018 sẽ cho ra mắt các mẫu xe dành riêng cho các nước trong khu vực sử dụng tay lái bên trái như Việt Nam.
Và chưa kể, việc đào tạo con người, cơ sở vật chất và cả thói quen quản lí chắc chắn cũng sẽ khiến Trường Hải phải đầu tư thích đáng để thực hiện các yêu cầu đối với khách hàng hạng sang, tương xứng với thương hiệu mà BMW có được.
Vẽ lại bản đồ Việt cho dòng xe sang
Khó khăn trong xuất khẩu trong tương lai gần, nhưng nếu được lắp ráp trong nước và những sửa đối về chính sách quản lí của Nhà nước ưu đãi cho sản xuất trong nước khi các cơ quan quản lí đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho linh kiện, miễn thuế TTĐB cho phần linh kiện sản xuất trong nước… được thực hiện, Trường Hải và BMW sẽ cạnh tranh sòng phẳng và phá vỡ thế độc tôn (về giá bán) với một thương hiệu hạng sang của Đức khác là Mercedes-Benz, hãng xe sang duy nhất hiện có nhà máy lắp ráp xe tại Việt Nam.
Ở phân khúc xe sang, các mẫu xe lắp ráp trong nước của Mercedes-Benz hoàn toàn chiếm ưu thế, khi không có đối thủ ở cùng phân khúc, do lợi thế vì chênh lệch thuế suất giữa linh kiện (khoảng 30%) và nhập khẩu nguyên chiếc (70%). Các đối thủ khác, dù tiềm lực không kém nhưng không có lợi thế này nên đều gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh; đó là những cái tên như Audi, Lexus, Infiniti… và đương nhiên là cả BMW.
Ngay trong năm 2016 vừa qua, trong khi Mercedes-Benz đạt doanh số hơn 4.400 xe thì Lexus chỉ bán được 1.600 xe, cho dù đứng sau thương hiệu này là "ông lớn" Toyota.
Trước mắt, kể từ năm 2018 trở đi, tập đoàn Trường Hải vẫn sẽ tiếp tục duy trì sử dụng các đại lí hiện có của BMW (và cả MINI) tại Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, cũng như hướng kinh doanh vẫn sẽ là nhập khẩu và phân phối các dòng xe BMW hiện có; bao gồm các dòng xe du lịch sedan/hatchback/coupé như 1-series, 2-series, 3-series, 4-series, 5-series, 6-series và 7-series, các mẫu SUV từ X1 cho đến X6…, với đủ các chủng loại động cơ xăng và diesel.
Kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam, nếu có sớm cũng không thể có ngay trong năm 2018 tới đây, vì đối tác của Trường Hải sẽ còn phải đánh giá nhiều vấn đề trước khi chính thức chuyển giao công nghệ cho tập đoàn ôtô Việt Nam.